Kỹ năng sinh tồn: Bắt nạt học đường

Bạo lực học đường không phải là một điều gì mới. Tuy nhiên trong những năm gần đây, sự gia tăng, bùng phát về số lượng cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ việc buộc gia đình, nhà trường và thậm chí là pháp luật, không thể cứ “ngoảnh mặt làm ngơ”. Bởi, dù là bắt nạt về thể xác hay tinh thần, cũng đều để lại những tổn thương nhất định trong trẻ, đôi lúc dẫn đến những hậu quả nặng nề không lường trước được. Bullying (bắt nạt) – do đó trở thành một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất giúp trẻ tự bảo vệ bản thân trong bất kỳ môi trường học tập, sinh hoạt.

Hôm trước, chúng ta đã có dịp ghé thăm… Trái Đất (lớp Earth) trong môn học cùng chủ đề này. Hôm nay, hãy cùng “đột nhập” Uranus xem các anh chị lớn hơn của Earth học môn này có gì khác biệt không nhé!

Không phải ai cũng nắm rõ bản chất của bắt nạt. Cô Sarah đã chỉ ra sai lầm của rất nhiều bậc phụ huynh cũng như các bé còn ngồi trên ghế nhà trường: Bắt nạt không chỉ về thể xác (physical), bắt nạt cảm xúc (emotional) cũng nghiêm trọng không kém. Bắt nạt thông qua lời nói (verbal) hay nhận xét đầy ác ý trên mạng (cyber-bullying) đều là những yếu tố đặc biệt mà tựu trung lại, cho thấy: Bắt nạt bao gồm những hành vi lặp đi lặp lại, làm tổn hại đến thể chất hoặc tinh thần của người khác. Từ đó, cô Sarah tập trung vào hai loại hình bắt nạt phổ biến trong cuộc sống hiện đại, ở lứa tuổi teen của các bạn: In-person bullying (bắt nạt trực tiếp) và Cyber-bullying (bắt nạt trên mạng).

Cô Sarah phân loại các hình thức bắt nạt những hành vi phổ biến

Why do people bully others?” (Tại sao nhiều người lại bắt nạt người khác?) Trả lời cho câu hỏi này, nhiều học sinh đã đưa ra những lý do thuyết phục: một là, do khoảng cách giàu nghèo làm những đứa trẻ từ gia đình giàu có, sở hữu những món đồ đắt tiền hay các trò chơi công nghệ cao (technological advances) tự cho mình ở địa vị cao hơn, có quyền bắt nạt những bạn nhà có điều kiện khó khăn, phải thay đổi chỗ ở, trường học; hai là, chính “kẻ bắt nạt” từng là nạn nhân (victim) và giờ tìm cách “trả thù” bằng việc bắt nạt những bạn khác. Điển hình của nạn bắt nạt là các trường hợp nhằm vào cộng đồng LGBTQ+: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (lưỡng tính), Transgender (người chuyển đổi giới tính), Queen/Drag queen (nam thích ăn mặc như nữ) và hơn thế nữa. Sự định kiến và phân biệt đối xử cho thấy nhiều tác động tâm lý tiêu cực đến cộng đồng này, dẫn đến sự ra đời của nhiều tổ chức, hoạt động vì quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt là Pride. Mỗi người đều có một xu hướng tính dục khác nhau, việc áp đặt suy nghĩ heterosexual (người dị tính) và buộc những người trong cộng đồng này tuân theo chính là vi phạm quyền tự do cá nhân của một  người công dân chân chính.

Mạng xã hội chưa bao giờ là an toàn. Nhờ sự phát triển công nghệ với tốc độ chóng mặt, cộng với khả năng truy cập dễ dàng, hiện nay, phần đông bạn trẻ, thậm chí là vị thành niên, sở hữu vài tài khoản mạng khác nhau như Facebook, Instagram, Youtube, Snapchat,… Do đó, bắt nạt trên mạng cũng vì thế mà xuất hiện khắp mọi nơi. Hình thức của loại bắt nạt này thường dưới dạng những comments (nhận xét) mang tính công kích, đầy ác ý, có nguy cơ để lại những sang chấn tâm lý, làm tổn thương tinh thần chủ tài khoản mạng. Chưa kể, việc nhận xét trên mạng là một lợi thế cho “kẻ bắt nạt” khi chúng trở nên anonymous (vô danh) do không thể xác định được danh tính chính xác, khiến chúng cảm thấy “an toàn” mà thoải mái hoành hành.

Những trang mạng với lượng truy cập cao lại là nơi thiếu an toàn nhất.

Lúc này, cô Sarah đặc biệt chú trọng đến một comment trên một diễn đàn game online: “This is cancer.” (Đồ ung thư.) Ai cũng biết, ung thư là căn bệnh mãn tính mà không một người nào muốn mắc phải, đa phần người bị chẩn đoán ung thư sẽ chết. Cho nên, việc nhận xét như vậy là hành động tiêu cực nhất mà “kẻ bắt nạt” có thể nói với nạn nhân của chúng. “NEVER say ‘This is cancer.’” (Đừng bao giờ bảo ai là “Đồ ung thư”).

Cô Sarah đưa bằng chứng thật về trang game online chứa lời nhận xét “This is cancer’ cùng nhiều bình luận ác ý khác.

Hậu quả của bắt nạt nói chung, và bắt nạt trên mạng nói riêng là rất khó lường. Những biểu hiện thường thấy như sau: Low self-esteem (tự ti), fear (sợ hãi), anxiety (rối loạn lo âu), depression (trầm cảm), isolation (sống tách biệt), và nguy hiểm nhất phải kể đến suicide (tự vẫn).

Như vậy, mỗi cá nhân cần phải chịu trách nhiệm với tài khoản mạng cũng như cuộc sống riêng tư của mình bằng cách THINK before you post (Suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng lên mạng). Is it True? Bài đăng của mình có đúng sự thật không? Is it Hurtful? Có làm tổn thương ai không? Is it Inspiring? Có truyền cảm hứng không? Is it Necessary? Có cần thiết không? Is it Kind? Có tử tế không?

Để đánh giá khả năng nắm chắc và theo kịp bài của học sinh, Cô Sarah phân lớp thành nhiều nhóm nhỏ từ 2-4 bạn để thuận tiện thực hành role-play (đóng kịch) theo các chủ đề mà cô đã chuẩn bị sẵn. Mỗi nhóm có vài phút thảo luận và tập thử với nhau trước khi xung phong lên diễn trước lớp. Tuy rằng các chủ đề có phần hơi khó, dưới sự hướng dẫn tận tình cùng những lời động viên từ cô Sarah, vấn đề trở nên dễ dàng hơn, các nhóm tự tin hơn thể hiện phần kịch của mình.

Hai trong số hàng chục chủ đề mà cô Sarah đã chuẩn bị
Các nhóm được cô tận tình hướng dẫn
Một nhóm khác nghe nhận xét và phân tích về phần role-play của mình từ cô Sarah

Tính đến thời điểm hiện tại, những buổi học về Survival Skills (kỹ năng sinh tồn) đều là những buổi học được học sinh mong chờ, đón nhận nhiệt tình nhất và thành công nhất. Nhờ cách tiếp cận kiến thức và phương pháp giảng dạy tiến bộ từ tất cả giáo viên bản ngữ, mỗi bài học đi qua sẽ để lại những dấu ấn riêng trong từng học sinh. Tiêu biểu là bài học về những thứ gần gũi, quen thuộc nhất với các bạn như hôm nay, để đánh thức khả năng quan sát và phòng vệ của trẻ, để trẻ ý thức được rằng những mối nguy hại hóa ra không đâu xa xôi mà luôn trực chờ xung quanh ta, và để chuẩn bị những biện pháp phòng thân hữu hiệu sẽ có ích cho trẻ trong tương lai.