Kể chuyện: Jack và cây đậu thần

Trong bài học môn Kể chuyện tuần trước, các bạn đã được tìm hiểu về thể loại fable (ngụ ngôn) qua câu chuyện “The boy who cried wolf”. Tuần này, với chủ đề “Never lose your imagination” (Đừng bao giờ đánh mất trí tưởng tượng), chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thể loại fairy tale (thần thoại / cổ tích) qua câu chuyện “Jack and the Beanstalk” (Jack và cây đậu thần) của nước Anh.

Trong truyện ngụ ngôn, chúng ta thường nghe kể về chuyện của một người hay một vật rồi lấy đó làm bài học cho  mình. Còn truyện cổ tích thì có phần hư cấu, nhưng nó lại có sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với các bạn nhỏ.

Các bạn bắt đầu giờ học kể chuyện.

Truyện cổ tích tồn tại những nhận vật, những phép màu mà các bạn chưa bao giờ được chứng kiến. Vì vậy, khi nghe kể chuyện, mỗi bạn sẽ “vẽ” ra hình tượng các nhân vật, bối cảnh khác nhau trong trí tưởng tượng của mình. Từ đó, kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tượng phát triển.

Câu chuyện về cây đậu thần nổi tiếng có lẽ các bạn đã từng nghe qua nên cô Jessica đã mở đầu bằng một cách khác – Cô cho cả lớp nghe bài hát do gã khổng lỗ trình bày, nói về nhân vật chính của câu chuyện – cậu bé Jack. Cả lớp rất thích thú với bài hát này.

Thông thường, những yếu tố của một câu chuyện bao gồm: setting (nơi diễn ra sự việc), characters (các nhân vật trong câu chuyện), plot (cốt truyện / diễn biến sự việc) và solution (giải pháp).

Sau khi nghe kể chuyện xong, mỗi bạn sẽ được phát một bản của câu chuyện. Cả lớp được chia ra thành nhiều nhóm (4-5 bạn). Nhiệm vụ của các bạn là dựa trên những phân tích thuật ngữ của cô Jessica, tìm ra các yếu tố đó trong câu chuyện “Jack và cây đậu thần”.

Các nhóm bắt đầu tập trung cao độ để thực hiện nhiệm vụ.

Mức độ phức tạp của câu chuyện này so với những tuần đầu của khóa học có tăng lên một chút xíu. Hơn nữa, đây lại là một câu chuyện từ nước Anh, mà người Anh thì nổi tiếng về cách sử dụng từ ngữ vô cùng chính xác nhưng cũng không kém phần hoa mỹ. Đọc những tác phẩm văn học của Anh, mà gần gũi nhất là những câu chuyện như các bạn chường trình Summer Fun đang học đây, là cách tốt nhất để các bạn cảm thụ được ngôn ngữ một cách tự nhiên nhưng cũng không kém phần thú vị.

Cô Thủy Tiên giúp các bạn giải đáp thắc mắc.
Khi đem câu chuyện ra khai thác thì cũng “căng não” lắm, chứ không đơn giản như lúc nghe kể chuyện đâu nhé!

Sau giai đoạn luyện não, cô Jessica giúp các bạn phân tích lại và sửa chữa cho những nhóm chưa chính xác.

Để thay đổi không khí, cả lớp được tham gia một trò chơi nhỏ kiêm hoạt động ôn tập từ vựng trong câu chuyện vừa rồi. Trò chơi “Charades” – một bạn sẽ mô tả một từ bất kỳ qua hành động, các bạn còn lại sẽ đoán xem từ đó là gì.

Cô hướng dẫn cascbajn chọn lựa từ vựng sao cho “đắt” nhất.
Liệu đây có phải là hành động chặt cây đậu thần của cậu bé Jack không nhỉ?

Học kể chuyện mà chỉ ngồi một chỗ và nghe thì rất nhàm chán, vì vậy, cô Jessica luôn cố gắng thay đổi, đa dạng hóa các hoạt động trong giờ học để các bạn luôn cảm thấy mới mẻ. Qua đó, giúp các bạn tiếp thu tốt hơn.

Hoạt động tiếp theo là sử dụng các từ đã học trong bài và điền vào ô chữ .

Bây giờ, chúng  ta cùng nhau “thử giọng” một chút nhé! Hoạt động này vào cuối giờ giúp các bạn luyện tập ngữ âm. Mỗi bạn có thể sáng tạo ra phong cách của riêng mình bằng cách thay đổi tông, giọng một cách khác nhau, thể hiện một thần thái khác nhau để câu chuyện trở nên thú vị hơn.

Đoạn nào mà các nhân vật xếp chồng lên nhau vậy ta?

Ngoài giờ học ở lớp, các bạn có thể tìm đọc thêm một số câu chuyện tiếng Anh khác để luyện tập khả năng đọc hiểu và tích lũy từ vựng, cũng “bỏ túi” thêm vài câu chuyện để kể cho em nhỏ nữa chứ.

 

 

Khoa học: Tai và âm thanh

Tiếp nối chủ đề “Cơ thể người”, trong giờ học môn khoa học hôm nay, các bạn lớp SF2-19 sẽ cùng cô Vanessa và cô Mai Huyền tìm hiểu về cấu tạo của tai – một bộ phận giúp chúng ta lắng nghe những âm thanh tuyệt vời của cuộc sống, và cách mà tai đón nhận những âm thanh ấy. Vào học thôi nào!!!

Chúng ta hãy cùng lắng nghe cô Vanessa nói về âm thanh trước nhé!

Âm thanh là sự rung động của các hạt tạo nên vật chất truyền đi trong không khí dưới dạng sóng đến tai của chúng ta. Hay để các bạn dễ hiểu hơn, cô gợi ý cả lớp liên tưởng với nước. Nếu như âm thanh là nước thì các hạt phân tử cũng giống như những hạt nước bé xíu vậy. Âm thanh truyền đến tai tương tự như sóng nước ở hồ hay biển vậy.

Cách âm thanh truyền đi trong không khí.

Sau khi đã mô tả cẩn thận về âm thanh, cô yêu cầu các bạn ghi chú lại “Word of the day” (từ vựng nổi bật trong ngày) – sound (âm thanh). Nắm chắc một từ vựng không chỉ đơn giản là viết đúng chính tả, phát âm đúng và biết được nghĩa tiếng Việt của từ đó, mà ở phạm vị môn học này, các bạn nhỏ sẽ giải thích được bản chất của âm thanh và cách nó “du lịch” được đến tai của chúng ta như thế nào.

Nhắc đến tai, chúng ta sẽ chuyển sang phần tiếp theo luôn nhé – cấu tạo của tai. Tai gồm 3 phần: outer ear (tai ngoài), middle ear (tai giữa) và inner ear (tai trong). Tai ngoài chính là vành tai của chúng ta đấy, nó có dạng hình phễu, để đón lấy âm thanh và truyền vào bên trong. Phần tai ngoài mở rộng đến ear canal (ống tai) – là phần mà các bạn nhỏ hay vệ sinh hàng ngày đấy!

Một bạn nam tò mò chạy ngay lên hỏi: “Teacher, why do you draw something like a snail here?” (Cô ơi, sao trong lỗ tai mà cô lại vẽ cái gì giống con ốc sên vậy?)

Để biết được đáp án cho câu hỏi của bạn nhỏ, chúng ta hãy tiếp tục theo dõi bài giảng của cô nhé!

Tiếp nối tai ngoài là tai giữa, được ngăn cách bởi ear drum (màng nhĩ). Đúng như tên gọi, màng nhĩ giống như mọt cái trống, khi có âm thanh truyền vào, màng nhĩ sẽ rung lên, tiếp tục truyền âm thanh vào tai trong – chính là bộ phận giống con ốc sên đấy! Tại đây, âm thanh sẽ được đưa lên não để xử lý.

Minh họa cho điều cô vừa giảng, cả lớp sẽ được tham gia một thí nghiệm nhỏ. Các bạn được chia thành những nhóm khác nhau. Mỗi nhóm sẽ nhận được 2 cái ly giấy dán kín miệng, bên trong có chứa một số đồ vật bí ẩn. Các nhóm sẽ lần lượt lắc từng ly và đoán xem trong ly chứa đồ vật gì rồi ghi đáp án vào tờ giấy của mình.

Cô Mai Huyền hướng dẫn cho cả lớp.
Cái gì trong đó vậy nhỉ???

 

Khi âm thanh truyền lên đến não, não của các bạn sẽ “lục” lại những âm thanh quen thuộc và đưa ra một đáp án dưới dạng “hình ảnh”. Đó là lúc các bạn sực nhớ ra âm thanh quen thuộc đó phát ra từ vật nào.

Bạn này có vẻ đã tìm ra đáp án, nhưng không biết phải viết bằng tiếng Anh như thế nào liền chỉ ngay vào cái nút áo của bạn mình để nhờ cô trợ giúp: “What is this called, Ms. Vanessa? – It’s a button, dear!”

Sau khi mỗi bạn đã có đáp án của mình, các nhóm sẽ mở nắp ly ra để kiểm tra xem có đúng như vậy không.

Tò mò quá đi thôi…

Cuối cùng, cả lớp được ôn thêm một số từ vựng khác bằng một bài tập nhỏ: nối tên đồ vật và vật phát ra âm thanh.

Không quá khó nhỉ!

Trước khi chia tay cả lớp, các bạn nhận được một bài tập về nhà thú vị lắm nè: nhiệm vụ của các bạn là tìm và lắng nghe 5 loại âm thanh khác nhau, sau đó, các bạn sẽ viết tên của đồ vật phát ra âm thanh (ví dụ: the doorbell – chuông cửa), mô tả âm thanh đó (ding dong), vẽ đồ vật và cảm nghĩ hoặc hành động của mình khi nghe thấy âm thanh đó.

Ngoài những kiến thức bổ ích được các thầy cô giáo bản ngữ đầy nhiệt huyết truyền đạt ở lớp, các bạn nhỏ Summer Fun còn được thực hành sử dụng tiếng Anh thông qua những bài tập gần gũi với thực tế. Như vạt, các bạn sẽ luôn cảm thấy việc học và sử dụng tiếng Anh không còn nhàm chán, mà trái lại, vô cùng dễ dàng và thú vị nữa.

Vào giờ học tuần sau, cả lớp nhớ trình bày cho cô về những âm thanh mà mình đã thu thập được nhé!

Âm nhạc: Trống lắc

Học âm nhạc không chỉ đơn thuần là học hát, học nhảy mà còn là tìm hiểu những khía cạnh khác nữa, bao gồm những công cụ tạo ra âm nhạc (hay còn gọi là nhạc cụ).

Hôm nay, lớp SF1-24 đã mở màn cho một tuần đầy sôi động bằng những giai điệu giòn giã phát ra từ những chiếc trống lắc mà các bạn ấy đã tự tay làm, dưới sự hướng dẫn của cô Anastasia và thầy Anh Nhân.

Cô Ana thu hút sự chú ý của cả lớp trước khi giới thiệu về nhạc cụ mà các bạn sẽ được học hôm nay.

Trống lắc (noisemaker) là một loại nhạc cụ cầm tay cũng tương tự như maraca vậy. Chúng thường được sử dụng trong các bữa tiệc hoặc trong các bài hát vui tươi nhằm tăng thêm nhịp điệu rộn rã cho bài hát.

Cả lớp chú ý lắng nghe sơ lược về cấu tạo chiếc trống lắc.

Trống lắc được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như gỗ, kim loại, Bên trong có chứa sỏi, các loại hạt hoặc cát để tạo ra âm thanh. Nhưng trong chương trình Summer Fun, chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra chiếc trống lắc bé xinh bằng một loại nguyên liệu vô cùng thân thuộc – chiếc ly giấy!

“Bạn nào cho cô biết tụi con thường dùng ly giấy để làm gì nè?”

Thay vì vì vứt ly giấy đi sau khi dùng, sử dụng ly giấy trong bài học này giúp các bạn nhỏ ý thức được việc tái sử dụng các đồ vật xung quanh mình, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Cô bắt đầu hướng dẫn cách làm.

Mỗi bạn sẽ được phát 2 cái ly giấy. Các bạn sẽ bắt đầu bằng việc trang trí những hình ảnh, họa tiết mà mình yêu thích lên đó…

Tiếp đến là cho một ít hạt đậu vào rồi úp 2 miện ly vào nhau, dán lại. Vậy là xong rồi đó!
Cả lớp cùng làm nhé!
Các bạn nhỏ được cô hướng dẫn tận tình…
…còn thầy Nhân thì hỗ trợ các bạn dán ly lại với nhau.

Không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành trống lắc nhỉ, vì loại nhạc cụ này khá là đơn giản và nhỏ gọn.

Phần thú vị và quan trọng nhất của bài học này tất nhiên là cách sử dụng cái trống lắc rồi. Cả lớp đã sẵn sàng chưa???

Các bạn nhở được cô hướng dẫn dùng trống lắc để chơi một bài hát vô cùng đình đám  – “We will rock you”.

Chỉ tập qua một lượt thôi là bạn nào cũng có  thể chơi từ đầu đến cuối bài rồi. Quá thích thú, cả lớp còn xin thầy cô tua lại bài hát một lần nữa để các bạn gõ trống theo. Đến đoạn cao trào nhất của bài hát (cũng là đoạn tương đối đơn giản), cả lớp cùng hát to: “We will… We will… ROCK YOU!!!”, nghe cực kỳ hoành tráng luôn.

Ứng dụng của trống lắc không chỉ có vậy. Sang hoạt động tiếp theo, cô Anna và cả lớp cùng nhau dùng trống lắc để giả tiếng mưa và âm thanh từ các loài động vật. Các bạn sẽ thử đoán xem đó là âm thanh phát ra từ loài động vật nào!

“Các bạn phải thật im lặng mới nghe được nhé! Nếu không thì mình không làm đâu.”
(Giữ lớp trật tự giùm cô nữa cơ!)

Sau này, nếu các bạn có diễn kịch thì có thể sử dụng trống này để “lồng tiếng” cho rắn đuôi chuông chẳng hạn nè. Ở nhà, nhớ đừng đem ra giả tiếng mưa khi mẹ đang phơi quần áo nhé, mẹ sẽ tưởng là mưa thật đấy!

Cuối cùng, cô và các bạn đã “kết show” ngày hôm nay bằng một điệu nhảy tập thể vui nhộn có sử dụng trống lắc.

Về nhà, các bạn nhỏ có thể bật bài hát “We will rock you” lên và mở show trình diễn gõ trống lắc chỉ-dành-riêng-cho-bố mẹ, xem như là ôn bài luôn. Nhưng cũng cần lưu ý là không nên sử dụng nhạc cụ này vào giờ nghỉ trưa hay tối muộn nhé, sẽ làm ảnh hưởng đến những người khác đấy!

Chúc các bạn nhỏ “ôn bài” vui vẻ!

Kỹ năng sinh tồn: CPR – Kỹ thuật hồi sinh tim phổi

Nếu như bơi lội và võ thuật là 2 kỹ năng sống còn giúp mọi người có thể cứu sống chính bản thân mình trong những tình huống khẩn cấp thì CPR (viết tắt của Cardiopulmonary Resuscitation) là một kỹ thuật nếu thực hiện đúng cách và kịp thời, có thể góp phần cứu sống người khác.

Các bạn đừng nghĩ là chỉ những người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp mới biết và có thể sử dụng CPR. CPR có thể cứu mạng người dù bạn không được huấn luyện trước! (nhưng ít nhất cũng phải hiểu biết về kỹ thuật này nhé!)

Vì đây là một kỹ thuật tương đối phức tạp và trong bài học sử dụng một số thuật ngữ hơi dài một chút nên bài học Kỹ năng sinh tồn này chỉ áp dụng cho các bạn cấp độ 3 của chương trình Summer Fun thôi.

Cô Vanessa bắt đầu giải thích thật cẩn thận cho các bạn lớp SF3-10 về CPR.

CPR là sự kết hợp của phương pháp ấn ngực (chest compressions) và hô hấp nhân tạo (rescue breath). Khi xác định được nạn nhân đã mất ý thức (unconcious) và tim ngừng đập, các bạn nhớ gọi cấp cứu hoặc tìm người xung quanh giúp đỡ. Ngay sau đó, phải tiến hành CPR càng sớm càng tốt.

Lay người, vỗ vào mặt và gọi tên để xem nạn nhân có phản ứng gì không nhé!
Các bạn nhìn kỹ tay cô đặt thế nào nè.

Theo lời hướng dẫn từ cô, các bạn sẽ thực hiện 30 lần ấn ngực (tốc độ khoảng 2 lần / giây) kèm theo 2 hơi thổi ngạt, lặp lại liên tục cho đến khi cấp cứu tới, khi nạn nhân có phản ứng hoặc khi bạn đã đuối sức, không thể tiếp tục được nữa.

2 cô thị phạm cho các bạn luôn!

Cô mách nhỏ cho các bạn, để ấn ngực đúng nhịp, các bạn có thể nghe bài hát “Staying Alive” của nhóm Bee Gees. Đây là bài hát này được chọn khi tiến hành thực hiện CPR không chỉ vì ý nghĩa cái tên của nó, mà còn vì nó có tốc độ 103 nhịp/phút, gần sát với tốc độ thực hiện kỹ thuật ấn ngực: 100 lần/phút.

Dù không cần phải được đào tạo nhưng CPR là kỹ thuật cần phải được thực hành. Cả lớp đã được xem video rồi nè, được cô hướng dẫn và làm mẫu rồi nè, vậy thì còn chờ gì nữa, chúng ta bắt đầu thôi nào!!!

“Hey… ấy có sao không?”
(bất tỉnh gì mà còn nhe răng cười được nữa không biết???)
Thêm 2 “nạn nhân” nữa đây!
Bắt đầu tiến hành, tập trung đếm nhé! 1, 2, 3, 4, …
Bạn đặt tay sai rồi, cô phải sửa ngay!!!
Cảm ơn mày, bạn tốt, tao tỉnh rồi nè! Ấn nữa đồ ăn sáng ra hết đó!

Hiện tại, dù chưa có nhiều khóa học CPR dành cho cộng đồng nhưng nếu bạn nào có quan tâm và muốn được đào tạo về kỹ thuật này, các bạn có thể liên hệ với Hội chữ thập đỏ để có thêm thông tin.

Trước khi tạm biệt lớp, cô Huyền phát cho mỗi bạn một bản tóm tắt các bước khi thực hiện CPR, và tất nhiên là bằng tiếng Anh rồi. Các bạn về nhà nhớ xem lại, và nếu được ba mẹ hay anh chị em hỗ trợ, các bạn cũng nên thực hành thêm nhé!

 

Thể thao: Bóng ném Châu Âu

Chương trình Summer Fun diễn ra hàng năm tại Trung tâm SEAMEO RETRAC ngoài việc cung cấp kiến thức cho các bạn nhỏ thông qua các môn học thú vị, còn chú trọng đến giao lưu văn hóa nhằm tạo cơ hội cho các bạn mở mang tầm mắt đến các quốc gia, châu lục khác trên thế giới. Nếu như  trong môn Âm nhạc và môn Thủ Công có đề cập đến Châu Phi thì hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau khám phá đôi chút về môn Bóng ném đến từ Châu Âu cùng lớp SF1-22 nhé!

Chơi bóng ném khá đơn giản, nhưng các bạn cần phải nắm một số thông tin về nó đã.

Cả lớp xem video rồi nói cho thầy James biết, tụi con thấy môn thể thao này giống môn nào nè?

Bóng ném là sự kết hợp giữa 2 môn thể thao: bóng đá và bóng rổ. Ấy vậy chứ nó còn dễ hơn cả 2 môn đó luôn đấy nhé! Từ video, các bạn nhỏ có thể thấy mỗi đội chỉ có 7 cầu thủ thôi nè.

Chúng ta sẽ có thêm một vài thông tin nữa nên các bạn đừng quên ghi chú lại nha!
Bóng ném (Handball) chỉ ném thôi nên chúng ta sẽ không được dùng chân đâu, bạn nào quen chân đá là phạm luật đấy!

Bên cạnh đó, thầy còn hướng dẫn cho các bạn hình dáng của sân bóng ném như thế nào và yêu cầu các bạn vẽ lại, không hề phức tạp tí nào nhỉ!

Thầy có vẽ sẵn trên bạn, các bạn chỉ cần vẽ theo như vậy vào giấy thôi nhé!
Bạn nào vẽ xong rồi cũng đừng quên viết lại một số từ vựng quan trọng đấy!

Đối với bài học này, các bạn nhỏ được học một số từ vựng như sau: handball (bóng ném; handball = hand + ball, đơn giản quá phải không?), goal (khung thành), court (sân bóng), bounce (tâng bóng). Không chỉ có thế, trong quá trình nghe hướng dẫn và giao tiếp với thầy James, các bạn còn tiếp thu thêm một lượng từ vựng không có trong danh sách từ vựng trên.

Đối với các bạn nhỏ ở cấp độ 1 thì việc ghi chép cũng cần nhiều thời gian hơn, nên trong khi chờ đợi, thầy sẽ đi một vòng kiểm tra.

Thầy xem con làm đúng chưa thầy?
Có điều gì không hiểu các bạn nên hỏi ngay lại thầy/cô nhé!

Thầy có một phần thưởng rất chi là dễ thương, bạn nào hoàn thành sớm và không bị sai lỗi chính tả sẽ được đập tay với thầy nè! Chỉ vậy thôi mà làm các bạn của chúng ta vô cùng thích thú luôn.

Yayyyy.. Đúng hết rồi, chúc mừng bạn nhé!
Các bạn hiếu động quá, đập tay không chưa đủ, phải đu lên người thầy mới chịu…

Nào, sau khi đã nạp thông tin rồi thì ta cùng thực hành thôi. Ra ngoài nào!!!

Bây giờ cả lớp sẽ tập tâng bóng nhé! Môn thể thao này chỉ cần tâng và chuyền bóng thôi. Nhìn thầy làm mẫu trước nè!

Cả lớp xếp thành 2 hàng và từng bạn lần lượt vừa tâng, vừa dẫn bóng dưới sự giám sát của 2 giáo viên.

Thái độ học tập vô cùng nghiêm túc, các bạn khác cần học hỏi nè!
Ngay cả bạn nam này cũng còn tham gia được thì những bạn khác không có lý do gì để tránh tập đâu nha!
Các bạn nữ thích môn này lắm, vì nó không khó như bóng đá, cũng không cần phải nhảy cao như bóng rổ, cứ nhẹ nhàng dẫn và chuyền bóng bằng tay như vậy thôi.

Về nhà, nếu có một quả bóng nhỏ, các bạn có thể tự tập luyện hoặc cùng chơi với anh/em trai của mình rồi!