Những câu chuyện thuộc các thể loại về thế giới xung quanh các bạn đã được học, nhưng còn bên ngoài Trái Đất thì sao, sao Hỏa chẳng hạn? Hôm nay, câu chuyện “Life on Mars” (Cuộc sống trên sao Hỏa) đã đưa lớp Venus-02 chu du đến một hành tinh khác, xa lạ và có nhiều khác biệt so với nơi chúng ta đang sống.
Câu hỏi mà cô Ethel đặt ra ở đầu bài học “Is there life on Mars?” (Ở trên sao Hỏa có sự sống không?) gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều giữa các bạn nhỏ. Có những bạn cho rằng “Có”, cũng có bạn cương quyết trả lời “Không”. Câu chuyện mà các bạn sắp xem đây sẽ lí giải toàn bộ những nghi vấn và tò mò ban đầu. Đó là câu chuyện về một cậu bé phi hành gia bỏ ngoài tai lời nói của mọi người xung quanh, cậu tin rằng sẽ có người hoặc sinh vật nào đó sống ở sao Hỏa và quyết tâm đến đấy tìm chúng.
Từ câu chuyện, Venus 02 đã biết thêm nhiều từ mới gồm: gloomy (tối tăm, u ám), dirt (đất), disaster (thảm họa), spaceship (phi thuyền), rocket (tên lửa). Xem xong câu chuyện, các bạn vẫn còn tranh cãi nhau về việc sao Hỏa có sự sống hay không. Câu trả lời là có nhé, vì cậu bé trong câu chuyện đã tìm thấy một nhành hoa tại đó mà. Hơn nữa, ở đó lại còn có một con quái vật, nó đã ăn bánh socola có trong hộp quà mà cậu bé chuẩn bị để tặng người đầu tiên cậu gặp tại sao Hỏa. Tuy nhiên đó chỉ là trong truyện thôi… còn ở ngoài đời thực thì phải đợi các nhà khoa học chứng minh nhé!
Ngoài ra, cô cũng giới thiệu cho các bạn những phần cơ bản, thiết yếu của một câu chuyện : character (nhân vật), setting (nơi diễn ra sự việc), problem (rắc rối/ vấn đề của câu chuyện), solution (giải pháp).
Như vậy, trong câu chuyện, cuộc sống trên sao Hỏa là có thật. Cô Ethel đùa vui rằng nếu có sinh vật ngoài Trái Đất xuất hiện, các bạn sẽ giới thiệu về hành tinh của chúng ta như thế nào cho “các bạn” ấy biết. Thế là các họa sĩ tương lai lại có ý tưởng mới cho bức tranh mang tên “Welcome to our Earth” (Chào mừng đến Trái Đất của chúng mình). Cả lớp được chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 3-4 bạn cùng nhau thực hiện tác phẩm.
Sau khi hoàn thành xong , mỗi nhóm sẽ thuyết trình về bức tranh của mình. Các bạn rất tự tin nói về tác phẩm, dù có đôi lúc vấp váp và thiếu từ vựng để diễn đạt nhưng không sao, các cô luôn tận tình giúp các bạn sửa sai, có như thế các con mới có thể cải thiện khả năng nói tiếng Anh mà, đúng không?
Cuối buổi học, các bạn hào hứng kể cho nhau nghe những gì mình đã vẽ nên. Dù chưa biết có sự sống nào trên sao Hỏa hay không nhưng các con đã có được những kiến thức bổ ích và niềm vui xuyên suốt bài học. Như thế là đã quá hoàn hảo cho một tiết học kể chuyện rồi nhỉ?