Khi nói đến tiết kể chuyện, sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh học sinh ngồi trên bàn và mỗi người nhìn vào câu chuyện có sẵn trong sách của mình, lắng nghe cô giáo đọc cho bằng hết. Cách kể chuyện truyền thống đó khá tiết kiệm thời gian, nhưng sẽ gây hiệu ứng chán và học sinh cũng không nhớ lâu. Vậy tất cả cùng ngồi bên nhau thành vòng tròn cùng cô Sarah để cùng xem một quyển sách do chính tay cô lựa chọn từ quê nhà Hoa Kỳ với chủ đề liên quan đến bản thân thì thế nào? Great idea! Ý tưởng tuyệt vời! Bài học hôm nay là “What do you do with a Problem?” Bạn giải quyết vấn đề như thế nào?
Làm thế nào để giải quyết vấn đề? Muốn giả quyết vấn đề trước tiên phải gặp vấn đề. Trong cuộc sống thường ngày, dù là người lớn hay trẻ con, ai cũng có những vấn đề của riêng mình. Vấn đề của mỗi người là gì mà khiến họ phải bận tâm đến thế, đến mức phải tìm cách giả quyết? “What was your problem?” “Vấn đề các con gặp phải là gì?” câu hỏi đầu tiên được đặt ra trong ngày là đây. Mặc dù phần đông ngại nói ra, nhưng có một bạn đã chia sẻ câu chuyện của mình với cô Sarah và cả lớp rằng có thời gian bạn không hòa nhập được với các bạn mới ở trường tiểu học. “How did you deal with that problem?” Cô Sarah hỏi bạn giải quyết vấn đề như thế nào, và bạn đã chứng tỏ bản thân bằng cách tìm hiểu sở thích của các bạn mới và làm quen từng người một cho đến khi bạn hòa nhập thật tự nhiên với cả lớp. Một câu chuyện rất đáng giá.
Mỗi vấn đề như từng đám mây đen, nặng trĩu trong ngày mưa xám xịt. Chẳng ai muốn gặp nó cả. Nhưng đã có ai từng thử tìm hiểu xem bên trong đám mây đó chứa những gì chưa? Cô bé trong bài đã thử và thành công. Cô quyết định mở đám mây ra để xem “vấn đề” của cô rốt cuộc là gì, hay là những gì. Và, lạ kỳ chưa, cô tìm thấy những thứ thân thuộc xung quanh cô: vài quyển sách, hay những món đồ chơi cũ kỹ, đôi khi là dụng cụ học tập. Cô bé đó, quyết định đối mặt với vấn đề của mình, để tìm ra nguyên nhân và giải quyết nó theo cách dễ dàng nhất: sắp xếp lại mọi thứ thật gọn gàng, có trật tự. Kết thúc câu chuyện, cô Sarah mong muốn cả lớp cũng sẽ như cô bé kia, biết đối mặt với vấn đề của mình để giải quyết nó theo cách thỏa đáng nhất.
Ở hoạt động này, mỗi bạn sẽ tự làm cho mình một trái tim xích giấy (a chained heart). Mỗi mắt xích biểu hiện những vấn đề các bạn đang gặp phải hoặc đã trải qua. Đây là một phương pháp tiếp cận vấn đề đầy tinh tế, giúp các bạn làm quen bằng cách nhìn vào, đánh giá và giải quyết vấn đề theo cách nhẹ nhàng mà cẩn thận, tỉ mỉ như chính cách chăm chút để tạo ra từng trái tim xích giấy vậy.
Đến cuối tiết học, bạn nào cũng tràn ngập nụ cười trên môi với sản phẩm của mình. Vậy là bao nhiêu lo lắng khó chịu từ những vấn đề ở đầu buổi học đã được xoa dịu đi. Bất cứ vấn đề dù có to mức nào cũng khó làm ta bận tâm nếu ta biết sống vui tươi, đối mặt và giải quyết nó trong yên bình.