Xuyên suốt quá trình học môn kể chuyện, các bạn tham gia chương trình Summer Fun năm 2017 không những được tiếp xúc với các thể loại truyện khác nhau qua các hình thức (đọc hoặc nghe-nhìn), học thêm nhiều từ vựng mới, đóng vai các nhân vật trong truyện (cấp độ 1), phân tích cấu trúc câu truyện (cấp độ 2) mà còn ứng dụng các từ vựng, những điểm ngữ pháp đã học và cấu trúc của câu chuyện của những bài trước vào sáng tác truyện (cấp độ 3).
Trong bài học ngày hôm nay, lớp SF3-10 sẽ cùng nhau sáng tác một câu chuyện mới dựa vào sức sáng tạo của mình.
Bằng khả năng ngôn ngữ của mình, mỗi nhóm một phong cách khác nhau đã tạo ra những câu chuyện rất sáng tạo, hài hước và mang “chất” riêng của mình.
Trong hoạt động tiếp theo, các nhóm sẽ bỏ đi một số từ trong câu chuyện của mình để các nhóm đoán hoặc thay thế bằng một từ khác di dỏm hơn.
Lớp học hôm nay kết thúc rất vui vẻ vì những chi tiết hài hước trong câu chuyện của các nhóm để lại. Nếu có thời gian, các bạn nên luyện tập thường xuyên để nâng cao kỹ năng viết của mình nhé!
Trong mỗi chúng ta, ai từ bé cũng đều mang trong tim một ước mơ cháy bỏng về nghề nghiệp tương lai. Theo thời gian, chúng ta lớn dần lên rồi những ước mơ trở thành bác sĩ, phi công ấy dần tan biến hoặc bị thay thế bằng một ước mơ khác…
Nhằm giúp các bạn nhỏ xác định được ước mơ về nghề nghiệp tương lai của mình, từ có có mục tiêu để phấn đấu học tập và bồi dưỡng những khả năng của bản thân, trong buổi hoạt động ngoại khóa cuối cùng của chương trình Summer Fun 2017, các bạn nhỏ đã được đến tham quan và trải nghiệm tại Khu vui chơi hướng nghiệp Vietopia – Quận 7.
Đúng 8h30, mọi người đã có mặt tại Vietopia. Khu vui chơi hướng nghiệp được thiết kế như một quốc gia thu nhỏ. Gây ấn tượng với các bạn nhỏ khi vừa bước chân xuống xe có lẽ là phần đầu chiếc máy bay rất to nhé!
Qua xong cửa hải quan là các bạn đã trở thành công dân tạm thời của đất nước Vietopia rồi. Ở đây có đồng tiền riêng nữa. Các bạn sẽ bắt tay vào lao động bằng chính sức lực của mình để kiếm tiền.
Từ những ngành nghề lao động chân tay như thợ điện, kỹ sư xây dựng, công nhân trong các nhà máy, nhân viên giao hàng, y tá chăm sóc trẻ em, lính cứu hỏa,…
…đến các ngành nghề lao động trí óc…
Ngoài ra, một số ngành nghề liên qua đến lĩnh vực giải trí, thời trang và chăm sóc sắc đẹp cũng được các bạn nhỏ quan tâm.
Sau khi trải nghiệm các công việc ở quốc gia Vietopia, các bạn nhỏ sẽ học được nhiều điều từ thực tế mà rõ ràng là chúng ta sẽ khó để học từ sách vở. Những công việc này sẽ giúp các bạn hiểu rằng: làm ra tiền koong hề đơn giản. Qua đó, quý trọng đồng tiền của bố mẹ và sử dụng chúng đúng cách hơn.
Thêm nữa, các bạn còn có cơ hội để tìm hiểu xem công việc mơ ước của mình có phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân hay không mà đưa ra những định hướng phù hợp trong tương lai.
Kết thúc chương trình tham quan Vietopia, các bạn được các anh chị dân cư ở đây chào tạm biệt bằng những bài hát, điệu nhảy sôi động và dễ thương, khiến cho các bạn không thể không nhún nhảy theo.
Thôi, tạm biệt Vietopia nhé, chúng mình về đây. Hẹn gặp lại vào một ngày không xa!
Kể từ khi nền văn minh nhân loại xuất hiện cách đây hàng nghìn năm, con người đã thay đổi bề mặt Trái Đất rất nhiều. Những thay đổi đó giúp cuộc sống trở nên tiện lợi và hiện đại hơn, nhưng hậu quả của nó sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ sau này… Chúng ta không tồn tại một mình, mà tồn tại cùng với thiên nhiên, và nhờ vào thiên nhiên. Chính vì vậy, trong bài học sinh tồn tuần này, cô Susan và cô Thanh Thủy đã đưa ra một chủ đề mà tất cả các bạn cần phải biết – “Thư gửi Trái Đất”.
Bài học được bắt đầu bằng những câu hỏi về những nơi các bạn nhỏ đã đặt chân đến, những phong cảnh mà các bạn yêu thích.
Mẹ thiên nhiên đã tạo ra cho mọi người những phong cảnh đẹp như thế, nhưng con người đã dần phá hủy thiên nhiên… Cả lớp SF1-24 được cô cho xem một đoạn video về những thay đổi của Trái Đất từ khi mới hình thành và hiện tại. Đây là những hình ảnh tua nhanh giúp các bạn nhìn rõ hơn Trái Đất thân yêu của chúng ta phải hứng chịu sự tàn phá của con người như thế nào.
Vậy, chúng ta sẽ làm gì để giúp Trái Đất đây? Trên thế giới có rất nhiều bạn nhỏ, mỗi bạn một hành động nhỏ sẽ có tác động lớn, giúp Trái Đất thay đổi theo chiều hương tích cực hơn.
Bài học viết theo chủ đề được “âm thầm” lồng ghép, giúp các bạn nhỏ dần là quen với cách viết tiếng Anh mà không cảm thấy bị “ngán”.
Chúng ta hãy cũng xem qua vài dòng tâm sự của các bạn nhỏ đến Trái Đất nhé!
Các bạn nhỏ hãy cùng nhau chung tay bảo vệ Trái Đất đúng như những gì đã viết trong thư nhé, nếu không, bạn Trái Đất sẽ buồn lắm đấy!
Đối với các bạn nhỏ, những hiện tượng trong tự nhiên luôn là một điều gì đó rất thần kỳ. Vì vậy đối với các bạn cấp độ 1 của chương trình Summer Fun, môn khoa học luôn gây được sự thu hút mãnh liệt.
Trong bài học môn khoa học tuần này, lớp SF1-22 đã được tìm hiểu về khái niệm “lực ma sát”. Đây là một khái niệm vẫn còn xa lạ và khá trườu tượng, nhưng hãy xem cô Vanessa và cô Mai Huyền đã dùng những “chiêu” gì để giúp các bạn hiểu được nhé!
Bằng một hành động cụ thể , cô Vanessa đã “kéo” một khái niệm từ xa lạ thành gần gũi đối với cả lớp. Lực ma sát đơn giản là cản trở di chuyển hoặc làm cho chúng ta, hoặc một vật nào đó khó trượt ngã hơn hôi à.
Cô Mai Huyền mô phỏng thêm một ví dụ nữa để giúp cả lớp hiểu rõ hơn:
Như vậy, ở bên phía mặt phẳng có trải khăn, lực ma sát lớn hơn nè, vì lực đó cản trở chiếc xe chuyển động.
Khi đã hiểu được lực ma sát là gì, các bạn được thực hiện một thí nghiệm khác và giải thích vai trò của lực ma sát trong thí nghiệm này.
Cuối bài, cả lớp được tóm tắt lại những từ vựng mà các cô đã sử dụng trong suốt quá trình giảng bài. Cô cũng đặt những câu hỏi để các bạn trả lời, ôn lại những gì vừa học được.
Mỗi bạn còn được phát một tờ bài tập về nhà, bao gồm các tình huống liên quan đến lực ma sát mà chúng ta đã học hôm nay. Cùng với bố mẹ, các bạn nhỏ hãy thử giải thích các hiện tượng, hoặc dự đoán kết quả cho mỗi tình huống nhé!
Úc được biết đến là lục địa nhỏ nhất nhưng lại nằm trong top 6 các quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới. Vì trải dài trên diện tích rộng nên nước Úc có khí hậu và phong cảnh vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, những vùng đất hoang mạc hay bán hoang mạc khô cằn, hẻo lánh (còn gọi là outback) lại phổ biến hơn cả. Chính vì vậy, người dân bản địa Úc đã sáng tạo ra rainstick – gậy cầu mưa với hy vọng âm thanh phát ra từ vật này sẽ mang mưa về cho vùng đất của họ.
Ban đầu, gậy cầu mưa được tại ra từ vỏ những cây xương rồng khô – một “đặc sản” ở những vùng hoang mạc nước Úc. Về sau, người dân bản địa nơi đây đã sử dụng nguyên liệu khác như gỗ để thay thế, đồng thời, vẽ lên đó những hình ảnh, họa tiết đẹp mắt để trang trí.
Bên trong thường được bỏ sỏi vào và bịt 2 đầu lại, khi nghiêng gậy thì sỏi từ đầu này chạy sang đầu kia của gậy. Trong quá trình di chuyển, chúng va vào nhau, va vào thành ống, tạo ra âm thanh giống hệt như tiếng mưa rơi.
Bây giờ, cả lớp hãy cùng nhau bắt tay vào làm thử gậy cầu mưa nào!
Cả lớp được chia thành 4 nhóm. Mỗi ngày, các bạn đều được các thầy, cô giáo chia nhóm theo một cách khác nhau để các bạn có cơ hội tiếp xúc, làm việc nhóm với các bạn khác nhau, giúp hiểu rõ nhau hơn.
Dù các bạn có thể tự làm riêng lẻ nhưng tại Trung tâm SEAMEO RETRAC, trong tất cả các môn học, các bạn được khuyến khích làm việc theo nhóm để mỗi bạn học được cách chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.
Cô cũng ôn lại những từ vựng trong phần đầu của buổi học trước khi các bạn háo hức đem sản phẩm về khoe với bố mẹ.