Khoa học: Tai và âm thanh

Tiếp nối chủ đề “Cơ thể người”, trong giờ học môn khoa học hôm nay, các bạn lớp SF2-19 sẽ cùng cô Vanessa và cô Mai Huyền tìm hiểu về cấu tạo của tai – một bộ phận giúp chúng ta lắng nghe những âm thanh tuyệt vời của cuộc sống, và cách mà tai đón nhận những âm thanh ấy. Vào học thôi nào!!!

Chúng ta hãy cùng lắng nghe cô Vanessa nói về âm thanh trước nhé!

Âm thanh là sự rung động của các hạt tạo nên vật chất truyền đi trong không khí dưới dạng sóng đến tai của chúng ta. Hay để các bạn dễ hiểu hơn, cô gợi ý cả lớp liên tưởng với nước. Nếu như âm thanh là nước thì các hạt phân tử cũng giống như những hạt nước bé xíu vậy. Âm thanh truyền đến tai tương tự như sóng nước ở hồ hay biển vậy.

Cách âm thanh truyền đi trong không khí.

Sau khi đã mô tả cẩn thận về âm thanh, cô yêu cầu các bạn ghi chú lại “Word of the day” (từ vựng nổi bật trong ngày) – sound (âm thanh). Nắm chắc một từ vựng không chỉ đơn giản là viết đúng chính tả, phát âm đúng và biết được nghĩa tiếng Việt của từ đó, mà ở phạm vị môn học này, các bạn nhỏ sẽ giải thích được bản chất của âm thanh và cách nó “du lịch” được đến tai của chúng ta như thế nào.

Nhắc đến tai, chúng ta sẽ chuyển sang phần tiếp theo luôn nhé – cấu tạo của tai. Tai gồm 3 phần: outer ear (tai ngoài), middle ear (tai giữa) và inner ear (tai trong). Tai ngoài chính là vành tai của chúng ta đấy, nó có dạng hình phễu, để đón lấy âm thanh và truyền vào bên trong. Phần tai ngoài mở rộng đến ear canal (ống tai) – là phần mà các bạn nhỏ hay vệ sinh hàng ngày đấy!

Một bạn nam tò mò chạy ngay lên hỏi: “Teacher, why do you draw something like a snail here?” (Cô ơi, sao trong lỗ tai mà cô lại vẽ cái gì giống con ốc sên vậy?)

Để biết được đáp án cho câu hỏi của bạn nhỏ, chúng ta hãy tiếp tục theo dõi bài giảng của cô nhé!

Tiếp nối tai ngoài là tai giữa, được ngăn cách bởi ear drum (màng nhĩ). Đúng như tên gọi, màng nhĩ giống như mọt cái trống, khi có âm thanh truyền vào, màng nhĩ sẽ rung lên, tiếp tục truyền âm thanh vào tai trong – chính là bộ phận giống con ốc sên đấy! Tại đây, âm thanh sẽ được đưa lên não để xử lý.

Minh họa cho điều cô vừa giảng, cả lớp sẽ được tham gia một thí nghiệm nhỏ. Các bạn được chia thành những nhóm khác nhau. Mỗi nhóm sẽ nhận được 2 cái ly giấy dán kín miệng, bên trong có chứa một số đồ vật bí ẩn. Các nhóm sẽ lần lượt lắc từng ly và đoán xem trong ly chứa đồ vật gì rồi ghi đáp án vào tờ giấy của mình.

Cô Mai Huyền hướng dẫn cho cả lớp.
Cái gì trong đó vậy nhỉ???

 

Khi âm thanh truyền lên đến não, não của các bạn sẽ “lục” lại những âm thanh quen thuộc và đưa ra một đáp án dưới dạng “hình ảnh”. Đó là lúc các bạn sực nhớ ra âm thanh quen thuộc đó phát ra từ vật nào.

Bạn này có vẻ đã tìm ra đáp án, nhưng không biết phải viết bằng tiếng Anh như thế nào liền chỉ ngay vào cái nút áo của bạn mình để nhờ cô trợ giúp: “What is this called, Ms. Vanessa? – It’s a button, dear!”

Sau khi mỗi bạn đã có đáp án của mình, các nhóm sẽ mở nắp ly ra để kiểm tra xem có đúng như vậy không.

Tò mò quá đi thôi…

Cuối cùng, cả lớp được ôn thêm một số từ vựng khác bằng một bài tập nhỏ: nối tên đồ vật và vật phát ra âm thanh.

Không quá khó nhỉ!

Trước khi chia tay cả lớp, các bạn nhận được một bài tập về nhà thú vị lắm nè: nhiệm vụ của các bạn là tìm và lắng nghe 5 loại âm thanh khác nhau, sau đó, các bạn sẽ viết tên của đồ vật phát ra âm thanh (ví dụ: the doorbell – chuông cửa), mô tả âm thanh đó (ding dong), vẽ đồ vật và cảm nghĩ hoặc hành động của mình khi nghe thấy âm thanh đó.

Ngoài những kiến thức bổ ích được các thầy cô giáo bản ngữ đầy nhiệt huyết truyền đạt ở lớp, các bạn nhỏ Summer Fun còn được thực hành sử dụng tiếng Anh thông qua những bài tập gần gũi với thực tế. Như vạt, các bạn sẽ luôn cảm thấy việc học và sử dụng tiếng Anh không còn nhàm chán, mà trái lại, vô cùng dễ dàng và thú vị nữa.

Vào giờ học tuần sau, cả lớp nhớ trình bày cho cô về những âm thanh mà mình đã thu thập được nhé!

Khoa học: Tim và mạch trên cơ thể người

Trái tim là một bộ phận vô cùng quan trọng trên cơ thẻ người. Cùng với các bộ phận khác, tim bơm máu đi nuôi cơ thể và giúp cơ thể chúng ta sống và hoạt động tốt.

Nhằm giúp các bạn nhỏ hiểu rõ hơn về trái tim nằm trong chính cơ thể mình, cô Vanessa và cô Kim Dung đã chuẩn bị bài học rất cẩn thận dành cho lớp SF1-24.

Các bạn đã làm nóng bầu không khí lớp học sáng sớm bằng màn “tập thể dục” cực kỳ sôi động với một số động tác yoga thăng bằng và những động tác nhảy dưới nhạc nền “Chicken dance” và “Go bananas”. Lớp học trở nên sôi nổi đến mức cả lớp còn “khủng bố” hai cô bằng cách đồng thanh hô to: “One more! One more!!!”

Khởi động nhẹ nhàng…
…và dần trở nên sôi động hơn.

Khi màn vận động buổi  sáng kết thúc, các bạn nhỏ ai cũng thở nhanh hơn. Chính lúc này đây, cô Vanessa đã “mách” rằng, các bạn có thể cảm nhận tim mình đang đập mạnh. Các bạn có thấy thế không nào? Và bài học bắt đầu…

Cả lớp được giảng về những thông tin cơ bản về trái tim…

“Kích thước của trái tim (heart) sẽ tương đương với nắm tay của mỗi người. Điều đó có nghĩa là, dù to cao hay nhỏ bé, chỉ cần giơ nắm tay ra, nó sẽ gần bằng kích cỡ của trái tim…”
Tim có nhiệm vụ bơm máu đi khắp cơ thể thông qua các mạch máu. Và độ dài của tất cả các mạch máu lớn bé trong cơ thể nối lại đủ để quấn 2 vòng quanh Trái Đất cơ đấy!

Khi mô tả đến cấu tạo của tim cho các bạn ở cấp độ 1, cô Vanessa đã dùng hình ảnh một ngôi nhà để các bạn dễ tưởng tượng hơn.

Tim có 4 ngăn cũng như ngôi nhà có 4 phòng, nhưng thay vì dùng từ “room”, chúng ta sẽ dùng từ “chamber” khi nói về tim nhé!

Nếu bổ đôi trái tim theo chiều dọc, các bạn nhỏ có thể phân biệt dễ dàng left (bên trái) và right (bên phải) đúng không nào? Cô cung cấp thêm cho cả lớp 2 từ mới, đó là altrium (tâm nhĩ) – ở phía trên, và vetricle (tâm thất) – ở phía dưới. Vậy là đã có đủ 4 ngăn rồi nhỉ!

Sau khi chỉnh sửa phát âm các từ trên cho cả lớp, cô mời  một số bạn lên viết lại các từ này để chắn chắn rằng các bạn nhớ và viết đúng chính tả.

Phía trên, bên trái nên đây sẽ là vị trí của left altrium!

Có vẻ như nhiêu đây không làm khó được các bạn nhỏ của chúng ta nhỉ! Tuy nhiên, kiến thức của ngày hôm nay chỉ dừng lại ở đây thôi, quan trọng là các bạn về nhà phải ôn tập để làm sao đến tuần sau, hoặc thậm chí khi khóa học kết thúc, các bạn vẫn nhớ được những từ này là thành công rồi. Khóa học này có tên là Summer Fun, nghĩa là các bạn sẽ được vừa học vừa chơi, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng và vui vẻ, đúng không nào?

Các bạn ở dưới sẽ tự điền tên của các ngăn tim còn lại nhé!
Cô kiểm tra và giúp sửa lỗi chính tả.

Phần cuối cùng, cũng là phần thú vị nhất của giờ học hôm nay, các bạn sẽ được lắng nghe “tiếng gọi của con tim” đấy nhé!

Stethoscope – vật bất ly thân của các bác sĩ, dùng để nghe nhịp tim và mạch đập.
Cả lớp hãy trật tự xếp hàng nào!

Mỗi bạn đều có cơ hội vừa trở thành bệnh nhân, vừa trở thành bác sĩ nên cả lớp phải giữ trật tự thì chúng ta mới nghe được rõ nhé!

“Để xem có bệnh không…”
“Mình khỏe lắm bác sĩ ạ!”
“Không được, khỏe cũng phải khám, nếu không bác sĩ mất việc sao!!!”
Không biết trong tim bệnh nhân có âm thanh gì vui mà bác sĩ nghe xong lại hớn hở đến vậy nhỉ?

Có bạn nào học xong bài này lại quyết tâm trở thành bác sĩ không nè?

 

Khoa học – Sức khỏe răng miệng

“Sức khỏe răng miệng” – một chủ đề không phải là mới mà khi nhắc đến, các bạn nhỏ thường tỏ ra không mấy quan tâm vì bố mẹ, thầy cô đã nhắc đến rất nhiều rồi. Thế nhưng, vì sao vẫn có nhiều bạn nhỏ bị sâu răng nhỉ? Hôm nay, lớp SF2-21 sẽ học về chủ đề này, chúng ta hãy cùng gõ cửa xin phép thầy Isaac và cô KIm Dung  để xem có học lỏm được gì hay ho không nhé!

Thầy bước vào lớp, tay phải cầm hộp trứng, tay trái ôm chai nước ngọt bự chảng. Có lẽ nào thầy định mở tiệc để làm quen chăng? Nếu thật vậy chắc cả lớp thích lắm đây… Nhưng khi nghe thầy giải thích lý do mang theo trứng và nước ngọt, cả lớp lại tiếc hùi hụi. Cùng xem thầy sẽ làm gì nào…

Hãy xem trứng như là răng của chúng ta nhé! Thầy Isaac lần lượt cho 3 quả trứng (có vỏ màu trắng cho dễ quan sát) vào 3 hộp nhựa. Hộp thứ nhất chứa nước lọc như bình thường. Hộp thứ 2 đựng giấm trắng (có tính axit). Hộp thứ 3 chính là chứa thức uống thần thánh của các bạn nhỏ đây mà.

Nhiều bạn nhỏ “xót xa” khi thấy cảnh này: “Thầy ơi, chừa lại chút xíu đi….”

 

Sau khi cho trứng vào hộp chứa giấm trắng, các bạn phát hiện ra xung quang vỏ trứng có bọt khí.
Ngâm 3 quả trứng và chờ đến cuối giờ xem sẽ có hiện tượng gì xảy ra nhé!

Trong khi chờ đợi, thầy bắt đầu giúp các bạn tìm hiểu về các bộ phận trong khoang miệng. Có bạn nào kể tên được các bộ phận mà mình đã được học không nè?

Tiếp đó, thầy giúp các bạn phân biệt “germ”, “bacteria” và tìm hiểu nguyên nhân khiến các bạn bị sâu răng. Và khi nguyên nhân đã được xác định, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp. Một trong những cách giúp các bạn nhỏ phòng ngừa được sâu răng chính là sử dụng chỉ nha khoa. Vừa nói xong là thầy lôi trong “túi thần kỳ” ra một hộp chỉ và chia cho mỗi bạn trong lớp một đoạn.

Mỗi bạn được một đoạn chỉ dài “đúng chuẩn”.

Thầy hướng dẫn cách lấy chỉ, độ dài cần thiết và cầm, giữ chỉ nha khoa sao cho đúng và hiệu quả nhất. Và để chắc chắn các bạn sử dụng chỉ nha khoa đúng cách, thầy hướng dẫn các bạn thực hành ngay tại lớp luôn.

Thầy không ngại làm mẫu cho các bạn…
…thì cớ gì các bạn lại ngại với thầy cơ chứ! Cùng làm thử nào!!!

Dù chỉ là một sợi chỉ nhỏ thôi, nhưng khi dùng xong, các bạn nhớ phải bỏ vào sọt rác, không vứt lung tung nhé!

Những hành động nhỏ của thầy giúp các bạn nhỏ có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung.

Sau phần thực hành sử dụng chỉ nha khoa, các bạn sẽ phát hiện ra loại thức ăn nào dễ bị dính vào răng khi ăn nhát. Từ đó, thảo luận với bạn ngồi bên cạnh những loại thức ăn nào tốt và không tốt cho răng chúng ta.

Màn thú vị nhất, được các bạn mong chờ nhất cũng đến. Sau hơn 1 giờ, thầy bắt đầu vớt các quả trứng ra khỏi hộp. Kết quả như sau: không có gì xảy ra với quả trứng ngâm trong nước lọc. Nhưng đối với quả trứng ngâm trong giấm, ngoài việc có bọt khí xuất hiện, vỏ trứng cũng bị mềm đi chút xíu so với ban đầu. Còn quả trứng ở hộp ngâm trong Coca thì ôi thôi… nhìn rõ lắm luôn, vỏ trứng đã bị ngả sang màu nâu mất rồi. Đó cũng chính là những gì sẽ xảy ra với răng chúng ta đấy!!!

“Unbelievable…”

 

Nhìn vào 2 quả trứng này, các bạn phân biệt được đâu là quả ngâm trong Coca, đâu là quả ngâm trong giấm chứ?

Vậy là rõ rồi nhé, nếu ăn xong mà không chịu vệ sinh răng miệng thì sẽ tạo ra mooi trường axit, dễ gây mòn răng. Còn nếu uống quá nhiều nước ngọt, răng các bạn sẽ bị xỉn màu đó!

Cuối buổi, thầy Isaac cho các bạn chơi trò chơi Hangman để ôn lại các từ vựng đã học. Bên cạnh đó, thầy còng cho các bạn xem một thí nghiệm tương tự với trứng, nhưng có thời gian ngâm lâu hơn (24 giờ) để các bạn nhìn thấy kết quả rõ hơn.

Cảm ơn thầy Isaac và cô Kim Dung đã mang lại cho các bạn một buổi học thú vị! Hẹn gặp lại các bạn nhỏ trong một giờ học khác nhé!