Hoạt động ngoại khóa tuần 3: Hội chợ khoa học

Nếu như trong 2 tuần đầu tiên của khóa học, hoạt động ngoại khóa là nhưng chuyến đi ra bên ngoài để tìm hiểu môi trường và xã hội xung quanh thì trong tuần thứ 3, các bạn nhỏ của chương trình Summer Fun sẽ được tham gia một hoạt động ngoại khóa cũng thú vị không kém ngay tại sân trường, đó chính là Science Fair – Hội chợ khoa học! Mô hình hội chợ hiện tại vẫn chưa phổ biến lắm đối với học sinh Việt Nam, nhưng thực chất đã được tổ chức từ các lớp cấp tiểu học ở các nước giáo dục tiên tiến trên thế giới, điển hình là Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Nga, Nhật,… Với mục đích khơi dậy niềm say mê học tập và khám phá, góp phần khai thác óc sáng tạo trong trẻ, Science Fair chính thức bắt đầu.

Tại khu vực của cô Kim Dung và cô Sarah, nơi diễn ra hoạt động Boat racing, các  bạn nhỏ được hướng dẫn cách tạo ra mô hình chiếc tàu nhỏ từ vỏ chai tái chế và que kem được gắn thêm động cơ chạy  bằng pin. Không những vậy, hai cô còn giải thích nguyên lý hoạt động của chân vịt để các bạn có thể hình dung cách thức hoạt động của con tàu lớn như thế nào.

Nói là “chân vịt” nhưng không phải là chân vịt thật đâu nhé, nhìn nó sẽ y như cánh quạt ở nhà thôi.

Và dĩ nhiên những con tàu nhỏ bé này không chỉ để ngắm rồi, chúng có thể chạy trên mặt nước thật luôn đấy!

Ai muốn hạ thủy nào?
Và những cuộc đua tàu bắt đầu… Sẵn sàng chưa nào? 3, 2, 1…. Go!

Các bạn biết không, trong hội chợ khoa học năm nay, có tận 2 hoạt động liên quan đến Engineering luôn đấy nhé! Engineering không nhất thiết phải là cái gì đó qua cao siêu, đồ sộ đâu. Ví dụ như từ những cọng mỳ ý và kẹo dẻo marshmallow nè, các bạn sẽ được cô Sarah và thầy Đăng Quang hướng dẫn để dựng thành cấu trúc tòa tháp trong hoạt động mang tên Marshmallow activity.

Khởi đầu thì đơn giản vậy thôi…
…nhưng sau đó thì hoành tráng thế này này!!!

Điều thú vị ở hoạt động xây tháp này chính là sau khi các anh chị ở lớp lớn được hướng dẫn và dựng tháp thành công thì có bạn hướng dẫn lại tận tình cho các em nhỏ hơn nữa… Đó là điều mà chúng ta luôn mong muốn đúng không nào? Vì khi các bạn hướng dẫn lại cho người khác, các bạn sẽ hiểu được vấn đề một cách tường tận và có hệ thống hơn.

Hoạt động Engineering thứ 2 được đề cập đến trong hội chợ lần này đó là Making a giant jenga.  Chắc hẳn trong số các học viên của chương trình Summer Fun, có bạn đã từng chơi qua trò Jenga (rút gỗ). Nhưng phiên bản Jenga của cô Kim Dung và thầy George là phiên bản giant (khổng lồ) đấy nhé!

Những khối mút khổng lồ tạo nên một cái tháp cao quá đầu. Nhiều bạn chơi phải bắt cả ghế mới xếp được khối mút tiếp theo lên trên đỉnh.

Nếu bạn nào có lỡ tay làm cho nguyên tòa tháp đổ xuống đầu thì cũng cười to thích thú vì chúng cũng không gây đau hay chấn thương gì cả, chơi lại từ đầu thôi mà!

Một trận đấu jenga mới lại bắt đầu

Ngoài ra, thầy George và cô Dung có “khuyến mãi” thêm một trò chơi nho nhỏ liên quan đến bài học về mạch điện nữa.

Còn đây là mô tả chi tiết về nguyên lý hoạt động của mạch điện.
Chơi trò này phải tập trung ghê lắm, vì nếu để 2 dây chạm nhau thôi là báo hiệu đèn sáng (nghĩa là thua) liền!

Ở một góc của sân trường cũng là nơi tập trung không ít bạn học sinh. Hoạt động gì mà thu hút các bạn í vậy nhỉ? Ồ thì ra đó là hoạt động Ice fishing (câu đá của thầy Sam và thầy Liam Câu đá. “Câu đá”? Tên nghe lạ vậy ta, mình có nghe nhầm tên “câu cá” không nhỉ? Không đâu, chính xác thì đây là câu đá đúng nghĩa đen. Chỉ cần rắc muối vào là đá sẽ dính vào sợi dây, và tụi mình có thể “câu” chúng như câu cá vậy.

Đây là kỷ lục của thầy Sam nè, các bạn thử phá kỷ lục xem nào!

Vi diệu quá thầy ui….

Các bạn tự hỏi: “Tại sao không có lưỡi câu nhưng đá vẫn “cắn” câu nhỉ?”. Thầy Liam và thầy Sam đã giải thích cặn kẽ cho tất cả các bạn tham gia vì sao lại như vậy. Thì ra đó chỉ là một hiện tượng vật lý bình thường thôi. Có bạn nhỏ còn tưởng muối là mồi câu làm cho đá thèm quá cắn câu nữa cơ… 

Nào, cùng xem ai câu được nhiều đá nhất nha!

Í, hụt rồi… câu lại!!!!
Wow… được rồi nè, quá chừng luôn!

Cùng khoe thành quả!

Thí nghiệm của cô Thiên Kim và cô Noelia có lẽ là thí nghiệm đặc biệt nhất được tổ chức trong một phòng học khá kín – tách biệt hẳn so với các hoạt động khoa học còn lại. Có gì bí ẩn thế nhỉ? Cùng đi xem thử nhé!

Đây là căn phòng được đặt tên theo thí nghiệm – Bouncy Egg

Cô Noelia bên poster giới thiệu thí nghiệm

Dưới sự hướng dẫn của 2 cô, các bạn vừa thực hiện từng bước, vừa theo dõi hiện tượng xảy ra, vừa nghe các cô giải thích hiện tượng.

Đầu tiên là lau trứng cho sạch hết bụi bẩn xung quanh. Người ta nói nâng như nâng trứng là đây chứ đâu.
Sau đóm cho trứng vào hũ rồi đổ giấm ngập hết trứng nào!
Quan sát hiện tượng, chúng ta sẽ thấy có bọt khí xung quanh vỏ trứng, Đó là do axit trong giấm tác dụng với canxi trong vỏ trứng và bắt đầu quá trình ăn mòn đấy.

Sau 2 ngày,  vỏ trứng sẽ bị ăn mòn hoàn toàn. Lúc này, quả trứng của chúng ta  chỉ còn một màng mỏng bọc xung quanh lòng trứng bên trong. Nếu để rơi trứng trên gần sát đĩa thật nhẹ nhàng sẽ thấy độ nẩy của trứng. Vô cùng thú vị đúng không nào? Bật mí thêm là dù ngâm giấm nhưng lòng trứng vẫn ăn được như thường nha. Còn nữa, nếu soi đèn vào quả trứng trong bóng tối, chúng ta sẽ thấy ánh sáng xuyên qua quả trứng, nhìn như một mặt trăng tí hon vậy!

Bây giờ thì các bạn đã hiểu vì sao thí nghiệm này được thực hiện trong phòng kín chưa?

Tiếp theo là một thí nghiệm khoa học nhưng lại mang đầy sắc màu nghệ thuật từ thầy Robert và cô Thiên Duyên – Color changing milk. Trong thí nghiệm này, các bạn sẽ nhìn thấy phản ứng của nước rửa chén và sữa (đại diện cho một số chất béo) như thế nào. Nhưng sữa lại màu trắng, rất khó quan quan sát. Vì vậy, các bạn nhỏ đã được cung cấp thêm màu thực phẩm nhỏ vào sữa để thấy hiện tượng xảy ra rõ hơn.

Cho sữa vào nhé, loại sữa nào cũng được cả!
Bây giờ đến lượt các bạn cùng thầy thực hiện nè! Nhiều màu sắc quá, nhìn thích ghê!
Cùng quan sát hiện tượng: màu được các chất hóa học đẩy ra, hòa cùng các màu sắc khác.

Rainbow paper là tên thí nghiệm của cô Ethel và cô Thanh Thủy. Tại đây, các bạn nhỏ được hướng dẫn để “hô biến” một mảnh giấy có màu đen thành mảnh giấy có ánh cầu vồng!

Các bạn đã sẵn sàng cho thí nghiệm chưa nào?

Vật liệu chính để tạo nên giấy cầu vồng gồm 1 chậu nước, 1 ít sơn nước trong suốt (ở đây các cô dùng sơn móng tay) và 1 mảnh giấy màu đen để quan sát kết quả được rõ hơn. Cách tiến hành khá đơn giản: các bạn đổ một ít nước sơn lên mặt nước và để cho nó tự khô, tạo thành 1 lớp màng. Khi đó, chúng ta sẽ dùng mảnh giấy đen đã chuẩn bị trước để tráng qua lớp màng sơn mornh nổi trên mặt nước ấy.

A-lê-hấp, lên nào!

Do lớp màng sơn trên mảnh giấy trong suốt nên sẽ xảy ra hiện tượng khúc xạ ánh sáng, làm cho mắt chúng ta thấy cầu vồng!

Sản phẩm của tụi mình nè!

Tiếp đến, chúng mình hãy cùng ghé thăm bột ngô khó chiều của cô Lori và cô Ngọc Diệp tronghoạt động Punching water. Nghe tên thì chắc là hoạt động này dành cho bạn nào hay bị căng thẳng, muốn xả stress đây.

Sở dĩ có bạn gọi đây là “bột ngô khó chiều” vì tính của nó khá là…õng ẹo. Sau khi bột ngô được pha với nước, nó sẽ giống như một đứa bé khó chiều vậy. Nếu chúng ta thả lỏng bàn tay và để yên trong thau bột, nó sẽ từ từ ôm gọn lấy bàn tay. Còn nếu chúng ta đột ngột đấm mạnh vào đó, thì thau bột tự nhiên cứng lại như đá, không tài nào đấm xuyên qua được. Lạ chưa?

Eo ơi… dính quá!
Cứng thật đấy!

Cuối cùng là thí nghiệm được yêu thích nhất mùa Science Fair năm nay: Fire snake! Thí nghiệm này được tổ chức thực hiện bới cô Ngọc Châu và cô Ioanna. Nghe tên có vẻ nguy hiểm nhỉ, để xem có gì đặc biệt nào!

Thật ra những “con rắn lửa” ở đây được tạo ra từ… đường cát và baking soda, thêm một chút lửa làm xúc tác vậy là úm ba la… rắn lửa hiện ra….

Các nguyên vật liệu đều được dán nhãn cẩn thận bằng tiếng Anh để các bạn làm quen và phân biệt.
Các bạn nhỏ được hướng dẫn lần lượt cho các nguyên liệu vào theo đúng trật tự

Và khi cô Ioanna châm lửa, các bạn nhỏ hồi hộp chờ đợi con rắn được sinh ra từ trong ngọn lửa…

Hix… không biết nó có nhảy chồm vào người mình không nhỉ???
Phản ứng mạnh mẽ giúp tạo ra “con rắn” dài ơi là dài luôn nè!

Kết thúc hội chợ khoa học hôm nay chắc chắn là các bạn đã học được rất nhiều thứ từ các thí nghiệm thực tế phải không nè. Tụi mình có thể áp dụng chúng vào cuộc sống muôn màu và kì diệu này bằng kiến thức vừa thu được. Mình nghĩ chắc sẽ có nhiều bạn làm nhà khoa học tương lai lắm đấy. Hẹn gặp lại các bạn.