Khoa học – Não bộ và các chức năng của nó

Có bao giờ chúng mình tự hỏi, tại sao cơ thể chúng ta có thể làm được rất nhiều việc, chẳng hạn: di chuyển, vận động, suy nghĩ, học hỏi và vô vàn thứ khác nhau rất chuẩn xác và trật tự không? Các bạn biết không, cơ thể chúng ta được điều khiển bởi bộ não. Theo khoa học, não là trung tâm thần kinh, điều khiển hệ thần kinh trung ương của con người đấy. Hôm nay, chúng ta cùng ghé thăm lớp Neptune để cùng góp nhặt thêm những kiến thức bổ ích về các chức năng kỳ diệu của não bộ nha!

Lớp Neptune là lớp “trưởng thành” nhất trong Summer Fun, nên kiến thức các bạn được học sẽ mang tính học thuật hơn một tí, cao cấp hơn một tí nhưng không vì thế mà nhàm chán hay khó tiếp thu đâu.  Giáo viên hôm nay là cô Kayla, sẽ có hoạt động để thu hút các bạn!

Cô Kayla giới thiệu sơ lược về não bộ con người và đặt những câu hỏi đầu tiên của bài học để kích thích những bộ não thông thái của Neptune hoạt động. 🙂

“What does our brain do?” (“Não của chúng ta có chức năng gì?”) là câu hỏi đầu tiên của buổi học để thử xem các bạn đã nắm được những thông tin gì về não bộ rồi. Các bạn thay lần lượt đưa ra câu trả lời, và quả đúng là, não có thể làm rất nhiều thứ cho cơ thể, nổi bật nhất là điều khiển toàn bộ cơ thể chúng ta đấy nhé.

Nhắc đến não bộ, thì không thể nào không nói tới hệ thần kinh (the Nervous System). Não chỉ là một phần trong hệ thần kinh mà thôi. Dưới cấp độ tế bào, hệ thần kinh bao gồm các tế bào thần kinh (neurons), là những đơn vị cấu tạo nhỏ nhất của hệ, mang tính chuyên biệt cao.

Các lớp chăm chú lắng nghe về bộ phận vô cùng quan trọng trong cơ thể mình.

Quay lại về cấu tạo não bộ con người, chúng ta đều có thể đã nghe đâu đó rằng, cách sử dụng não trái-phải ảnh hưởng tới sở thích và sở trường của bản thân. Trong tiếng Anh, thuật ngữ đó là Left Hemisphere (bán cầu não trái), và Right Hemisphere (bán cầu não phải). Chi tiết hơn, bán cầu não trái điều khiển tư duy trừu tượng, ngôn ngữ, logic, ghi nhớ, và tri giác thời gian; còn bán cầu não phải sẽ chịu trách nhiệm xử lý tư duy trực giác, sáng tạo, tình cảm và ý chí con người. Do đó, người sử dụng não trái nhiều thường sẽ giỏi các môn tư duy, tính toàn, tư duy logic. Trong khi đó, những người thiên về não phải sẽ rất sáng tạo, trực quan và giàu trí tưởng tượng. Tuy nhiên, não điều khiển theo nguyên tắc Opposite Control (điều phối chéo), nên bán cầu não trái sẽ điều khiển phần cơ thể bên phải, và ngược lại, bán cầu não phải lại điều khiển phần cơ thể bên trái. Thật thú vị phải không nào?

Do não và hệ thần kinh có cấu tạo khá phức tạp, nên chúng ta sẽ học được rất nhiều từ vựng tiếng Anh liên quan đến các bộ phận khác nhau của bộ não. Các thành phần của não không chỉ là 2 bán cầu, mà còn là nhiều Thùy (lobes) khác nhau và tiểu não. Bao gồm: Frontal Lobe (Thùy Trán) điều khiển suy nghĩ, trí nhớ, cách cư xử và vận động; Temporal Lobe (Thùy Thái dương) giúp ta nghe, cảm nhận, và học hỏi; Parietal Lobe (Thùy Đỉnh) điều khiển ngôn ngữ và va chạm; Occipital Lobe (Thùy Chẩm) là trung tâm xử lý thị giác; và Cerebellum (Tiểu não) xử lý thông tin về cân bằng cơ thể và sự hợp tác giữa các chi. Để hiểu rõ hơn, các bạn Neptune của chúng ta được xem video “How brian works – The Dr. Binocs show” (“Não hoạt động ra sao”) và góp nhặt được thêm rất nhiều kiến thức bổ ích.

Để minh họa cho sự truyền thông tin, cả lớp sẽ cùng cô tham gia một hoạt động vô cùng đơn giản. Hãy tưởng tượng trái bóng là thông tin cần truyền, cả lớp là hệ thần kinh, và mỗi bạn sẽ là 1 neuron. Từ cô Kayla – bộ não, truyền trái bóng thông tin tới bạn cuối cùng, cơ thể sẽ vận động, và trái bóng thông tin truyền ngược lại não, báo hiệu đã hoàn thành việc cần làm và kết thúc hành động. Qua hoạt động đơn giản này, hẳn các bạn đã hiểu sơ cơ chế thần kinh rồi phải không nào?

“Bộ não Kayla” bắt đầu ra lệnh cho các neurons truyền thông tin đi

Ngoài ra, Neptune còn được cung cấp một số Fun facts về não bộ nữa nè:

-Não chỉ nặng 1,3kg.

-Nó luôn hoạt động kể cả khi ngủ.

-Nó chứa hàng tỷ tế bào nơ-ron.

-Não có đủ năng lượng thắp sáng một bóng đèn điện.

-Tốc độ truyền thông tin của hệ thần kinh lớn hơn 240km/h.

-Não sử dụng 20% năng lượng cơ thể.

Để giúp cả lớp tiếp thu bài được tốt hơn, nhớ bài được lâu hơn, cô Kayla đã cho cả lớp một khoảng thời gian để các bạn có thể tạo ra mô hình não bộ từ đất sét với các màu sắc khác nhau, sau đó trình bày lại các thùy khác nhau và chức năng của chúng.

Bắt tay vào thực hiện công việc tạo ra bộ não thôi nào!

Khi tiếp thu những thông tin của bài học này, các bạn đang dùng bán cầu não trái. Còn khi thực hành tạo ra mô hình não bộ, các bạn được vận dụng trí tưởng tượng của mình, tức là bán cầu não phải đang hoạt động. Chúng ta đang tận dụng tối đa công suất của não bộ đấy, còn gì tuyệt với hơn nào?

Bộ não đầu tiên được tạo ra có vẻ phẳng (tạm gọi là 2D nhé), có nếp nhăn được tạo ra từ những đường cẳt và có các thùy khác nhau rất rõ ràng.
Một version khác của não bộ trông có vẻ tân tiến hơn, version 3D.
Giới thiệu lại cấu trúc não bộ để nhớ bài nào. Cơ mà kích thước mô hình não bộ của bạn í có hơi… tí hon nhỉ!

Dẫu khoa học đã khám phá ra rất nhiều điều về não bộ và hệ thần kinh. Nhưng chúng luôn mãi là một hệ thống phức tạp và còn nhiều bí ẩn với chúng ta. Qua buổi học cùng cô Kayla, lớp Neptune đã khám phá rất nhiều điều thú vị và bổ ích. Nếu các bạn cảm thấy có hứng thú với chủ đề này, hãy cùng tìm hiểu và trao đổi thêm với cô giáo và các bạn ở lớp nhé! Hẹn gặp lại trong những buổi học sau!