Khoa học: Sơ lược về cây

Nói về cây xanh, lợi ích có lẽ không đếm xuể: là mái nhà cho muôn loài động vật, cung cấp gỗ cho con người, tạo bóng mát trưa hè, làm trong lành không khí, thêm mảng xanh dịu dàng cho thành thị… Nhưng những kiến thức về cây xanh mà Summer Fun 2018 mang đến cho các bé không chỉ đơn giản như vậy. Các con sẽ được tiếp xúc với cây xanh bằng một góc nhìn hoàn toàn mới – khoa học. Đối với các bé ở độ tuổi mầm non và chuẩn bị vào lớp 1 như các bạn lớp Mercury, đừng vội nghĩ rằng khoa học là quá khó để tiếp thu. Hôm nay các con đã học rất tốt môn học này và được khám phá sự phát triển cũng như các bộ phận của cây qua sự hướng dẫn tận tình của cô Lori và cô Diệp đấy!

Các bạn nhỏ lần lượt chỉ ra từng bộ phận của cây và nhận biết chúng.

“Do plants have body parts like us?” (Cây có bộ phận cơ thể giống như chúng ta không?” là câu hỏi khá hóc búa mà cô Diệp đặt ra ở đầu bài học. Rất nhanh chóng các bạn đều có chung câu trả lời “Yes” (Có).

Đúng như vậy, cây cũng có những bộ phận hệt như cơ thể người. “roots” (rễ) tượng trưng cho chân của cây, “stem” (thân cây) có thể xem như cơ thể của cây, “leaves” (lá) được các bé đùa vui là những cánh tay còn “flowers” (hoa) được ví như khuôn mặt xinh đẹp và tràn đầy sức sống.

Cô Lori giúp đỡ các con trong hoạt động nối các bộ phận của cây với các từ tương ứng. Tuy chưa nhận biết được mặt chữ nhưng các con vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhờ vào phát âm của cô.

Thế các bạn nhỏ có biết cây lớn khỏe là nhờ đâu không? Cây “ăn” gì để sống nhỉ? Để trả lời cho câu hỏi này, cả lớp đã được xem một video ngắn về sự phát triển của cây và những gì cây cần để duy trì sự sống. Sau đó các con đã được phát 2 tờ giấy. Tờ đầu tiên các con khoanh tròn vào những thứ cung cấp sự sống cho cây có trong video. Ba yếu tố không thể thiếu đó chính là “sunshine” (ánh nắng), “soil” (đất) và “water” (nước). Còn tờ thứ hai các con dán những hình ảnh theo từng giai đoạn từ một hạt giống nhỏ trở thành cái cây trưởng thành.Tất cả các con đều vượt qua “chướng ngại vật” này một cách dễ dàng. Trí nhớ của các bạn Mercury nhà ta không phải dạng vừa đâu nha!

Một bạn nhỏ hoàn thành rất nhanh lại còn chính xác nữa!
“Ơ, hình này phải dán ở đâu nhỉ ?”

Sau khi đã tiếp thu kiến thức, cô Lori và cô Diệp cùng các bạn tham gia một hoạt động cực kì hay ho về lá cây. Các cô cung cấp cho mỗi bạn những dụng cụ cần thiết và một chiếc lá đã được ngâm nước. Các con dùng miếng mút xốp nhỏ đã được phát để lau lá (nhớ hãy nhẹ nhàng và thật cẩn thận nhé vì lá dễ rách lắm đó) cho đến khi lá không còn màu xanh ban đầu mà chỉ còn lại gân lá. Tiếp đến các bạn mang lá đi rửa sạch, thành phẩm thu được sẽ là chiếc gân lá tuyệt đẹp.

Các bé tập trung cao độ, vì bé nào cũng mong có được chiếc gân lá xinh xắn mà!
Phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận, không thì sẽ bị rách!
“Hoan hô, giỏi lắm con trai, con làm được rồi nè!”
Cả cô và trò đều rất thích thú với thí nghiệm này. Từ đây các con sẽ biết được phần bên trong của lá được cấu tạo ra sao, những hiểu biết về sinh học cũng theo đó tăng thêm.

Buổi học kết thúc ngay khi các bạn hoàn thành xong những chiếc gân lá cuối cùng. Các bạn hãy nhờ bố mẹ ép những gân lá vào giấy bìa cứng và đóng khung treo lên tường nếu thích nhé, nó sẽ trở thành một bức tranh trang trí ngộ nghĩnh đánh dấu tác phẩm đầu tay của các họa sĩ nhí đấy. Hẹn gặp lại các con vào buổi học sau!