Kỹ năng sinh tồn: An toàn khi sử dụng Internet

Trong thời đại mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, các mối nguy từ mạng Internet cũng vì thế mà tăng cao. Người dùng mạng, nhất là mạng xã hội hiện nay, chưa hẳn đã thông thạo cách tự bảo vệ bản thân khỏi những trường hợp nguy hại, thường bắt nguồn bằng các virus từ quảng cáo (advertisement) hay các tin nhắn rác (spam) tới hộp thư của mình. Những thông tin tưởng chừng như vô hại, hóa ra lại là độc hại bậc nhất dẫn đến hàng loạt vụ tấn công tài khoản mạng hay đánh cắp thông tin cá nhân làm cho vấn đề này trở thành một thực trạng đáng báo động không kém trong xã hội hiện đại. Chính vì thế, chương trình Summer Fun đã đem chủ đề Internet Safety vào bài học để các bạn (nhất là các bạn tuổi teen) có thể tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy trên Internet.

Một bạn nói về website yêu thích của mình khi được hỏi “what’s your favorite website?”

“What is your favorite website?” (Các con thích trang web nào?) Câu hỏi mở đầu trở thành một điểm nhấn, một mồi câu nhằm thu hút sự tập trung của cả lớp vào đề tài này. Ai cũng hào hứng xung phong lên bảng viết trang yêu thích của mình, có bạn còn tự tin thuyết trình lý do mình chọn website đó nữa. Trong đó, dễ nhận ra sở thích của phần lớn bạn nam là các địa chỉ download (tải) game, điều mà được cô Ioanna phân tích là không an toàn cho máy tính. Vậy, muốn sử dụng mạng một cách hiệu quả mà an toàn nhất, chúng ta cần phải làm gì? Một video ngắn về cách bảo vệ bản thân khi dùng Internet được bật lên với các hình ảnh dễ thương, gần gũi, nhằm giúp các bé tập trung từ đầu đến cuối video.

Trong video cả lớp được xem có đề cập đến 4 quy định để giữ an toàn cho bản thân khi sử dụng Internet, cũng chính là bài tập của lớp Jupiter: mỗi nhóm gồm 5-6 bạn sẽ hoàn thành thiết kế một bảng “Quy định An toàn khi sử dụng Internet” sao cho dễ nhìn và dễ nhớ nhất. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào bản thiết kế của riêng mình, các bạn để côIoanna kiểm tra xem có theo kịp bài không nhé. Mỗi bạn sẽ được phát một bảng trả lời gồm hai mặt: Safe (An toàn) và Not Safe (Không an toàn). Cô sẽ đọc tên các trường hợp và nhiệm vụ của lớp là giơ bảng nêu ý kiến của mình lên. Bằng cách này, cô dễ dàng nắm bắt và phân loại các bạn chưa theo kịp bài để hướng dẫn lại kỹ hơn. Nhìn chung, phần lớn các bạn chịu khó tập trung vào bài học, cho nên chỉ một phần nhỏ trả lời chưa đúng, hoặc giơ nhầm mặt bảng trả lời.

“Safe hay Not Safe đây?”

Có 4 quy định an toàn mạng mà các bạn nhỏ của chúng ta phải nhớ. Một là, không mở hay đọc tin nhắn từ người lạ. Hai là, không trò chuyện trên mạng với người lạ. Ba là, không chia sẻ bất kỳ thông tin cá nhân nàocủa mình (bao gồm số điện thoại, ngày tháng năm sinh, đặc biệt là tên thật và địa chỉ nhà) cho bất kỳ ai. Cuối cùng, tuyệt đối không được cho ai biết mật khẩu tài khoản mạng của mình, bất kể bạn thân.

Để nâng cao ý thức của lớp vể luật an toàn mạng và cũng để lớp dễ nhớ bài hơn, cùng thiết kế một bản quy định sử dụng mạng an toàn thật gần gũi với học sinh nào.

Cùng nhau hoàn thành nào!

Đối với hoạt động thiết kế này, cô Ioanna muốn tạo sân chơi cho các bạn thỏa sức thể hiện tính sáng tạo và tự tin khoe thành quả của mình với mọi người. Thật vậy, sức sáng tạo của các bạn là không giới hạn, tuy nhiên đó lại là viên ngọc thô cần được mài giũa và cô Ioanna đã thực sự thành công trong việc lồng ghép kỹ năng sinh tồn và tư duy trí tuệ thời đại 4.0 –STEM English vào bài học hôm nay.

Cùng nhìn lại thành quả của các bạn lớp Jupiter nào!